Phân tích về kỹ thuật in lụa
Kỹ thuật in lụa (in lưới) đã có từ rất lâu và liên tục phát triển cho tới ngày nay. Ở bài viết này chúng ta cùng nhìn nhận kỹ thuật in lụa dưới góc độ phương pháp in một cách tổng quan.
In lụa (in lưới) là quá trình in mà hình ảnh được truyền nhờ mực in xuyên qua lỗ hở giữa các mắt lưới. Giấy can (đôi khi dùng để tô hình hay vẽ) cũng được dùng như bản in. Trước đây các loại lưới sử dụng được dệt từ các loại sợi tơ tự nhiên như lụa, ngày nay các loại lưới sử dụng có nguồn gốc nhân tạo như sợi Plastic hay sợi kim loại được sử dụng rộng dãi. Mực in truyền từ bản in sang vật liệu in nhờ tác động của dao gạt tạo áp lực đẩy nó qua các lỗ hở ở mắt lưới. Bản in là sự kết hợp của giấy nền và lưới.
Đối với vật liệu làm bản in là lưới in lụa cần chú ý các thông số sau: Độ phân giải của lưới (số lượng sợi/cm), độ dày của lưới (là khoảng cách từ đỉnh đến đáy của lưới) và độ mở của các lỗ hở giữa các mắt lưới (tỷ lệ độ mở của các lỗ hở so với toàn bộ thớ sợi trên lưới), các thông số này quyết định tính chất in và chất lượng của loại lưới sử dụng.
Lưới sợi có nhiều độ phân giải từ 10 – 200 sợi/cm, độ phân giải của lưới sợi thường sử dụng nhiều nhất từ 90 – 120 sợi/cm. Mức độ sắc nét của trame thuộc vào cấu trúc của lưới.
Cấu trúc của lưới sợi ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hình ảnh khi in tầng thứ và in chồng màu. Độ phân giải của lưới sợi (số lượng sợi/cm) phải lớn hơn 3 – 4 lần độ phân giải (line/cm) của hình ảnh cần in vì thế các điểm tram trên bản in sẽ có sự khác biệt 9 đến 16 lần (theo đơn vị diện tích).
Giấy can trong thực tế xác định vùng hình ảnh cần in trên lưới, được đặt lên bản theo mặt thuốc hướng áp vào bề mặt lưới, để tránh bị làm mòn bởi dao gạt. Giấy can được tạo ra bằng cách vẽ hay khắc và được tô lại ở mặt dưới của lưới, chỉ dùng cho các hình đơn giản, in nét hay tông nguyên.
Các sản phẩm in phức tạp hơn (in tầng thứ, in chồng nhiều màu) hầu hết phải dùng lưới được phủ một lớp nhạy sáng diazo. Sau khi phủ và làm khô, bản in được phơi cùng với phim dương bản, có mặt thuốc ép sát vào bề mặt lưới (phim dương bản dùng cho in lụa có mặt thuốc ngược với phim dương bản dùng cho in Offset) bằng đèn UV. Vùng không in trên phim dương bản trong suốt nên cho ánh sáng đi qua, ánh sáng UV làm đông cứng tất cả vùng không in, vùng hình ảnh cần in không bị chiếu sáng nên vẫn ở dạng nhũ tương và được rửa trôi bằng nước ấm khi hiện bản. Làm khô bản và chỉnh sửa các khiếm khuyết. Bản đã sẵn sàng để in.
Phương pháp sử dụng trong kỹ thuật in lụa (in lưới)
Phương pháp 1: Kỹ thuật in lụa (in lưới) Phẳng – Phẳng
Bản in và bề mặt đặt vật liệu in đều ở dạng phẳng, nằm đối diện nhau, mực in được truyền xuyên qua các lỗ trên bản xuống vật liệu in nhờ sự di chuyển của dao gạt.
Phương pháp 2: Kỹ thuật in lụa (in lưới) Phẳng – Trục
Bản in phẳng, vật liệu in được đặt trên trục và di chuyển theo hướng quay của trục. Bản in và trục ép di chuyển tương ứng với nhau nhờ đó mực được truyền qua lỗ đến vật liệu in do dao gạt mực đứng yên. Hình thức in và dao gạt còn thích ứng với hình dạng của vật liệu in (cong, tròn, võng) bản in và vật liệu di chuyển đồng bộ, dao gạt đứng yên, trục ép cho phép in các dạng vật liệu tròn (như bóng) và các bề mặt cong.
Phương pháp 3: Kỹ thuật in lụa (in lưới) Trục – Trục
Bản in có dạng tròn (dạng trục). Bản in, vật liệu in và ống ép in di chuyển đồng bộ với nhau. Mực in bên trong lòng ống bản truyền thẳng vào vật liệu in, dao gạt đứng yên.
Lưới được căng trên khung (còn gọi là bản in, khung in lụa), nó phải chắc chắn trong suốt quá trình in nhưng cũng phải đảm bảo tính đàn hồi của lưới sau khi căng. Mực được đổ vào mặt lưng của khung, lượng mực trong khung di chuyển giống như sóng dưới tác động của dao gạt. Quá trình in của nó thể chia thành các vùng như sau:
– Vùng ngậm mực: Lớp mực ở dưới đáy tiếp xúc và thâm nhập vào các lỗ hở trên lưới, vùng này nằm ở phía trước của dao gạt.
– Vùng tiếp xúc: Dưới áp lực của dao mực tại các lỗ này bị đẩy xuyên qua lỗ, áp lực của dao đè xuống để mặt lưới tiếp xúc với bề mặt vật liệu. Nhờ áp lực và sự tiếp xúc mực bám vào vật liệu, vùng này nằm dưới lưỡi dao.
– Vùng bám mực: Vùng này nằm ngay sau lưỡi dao. Khi lưỡi dao được kéo qua mực tràn qua các lỗ và bám vào vật liệu.
– Vùng tách: Do bề mặt bản in không tiếp xúc với vật liệu, vì khi dao di chuyển áp lực của dao làm lưới bị võng xuống, độ võng lớn nhất là tại vị trí của dao, khi dao đi qua thì lưới đàn hồi trở về vị trí cũ tách khỏi bề mặt vật liệu nhưng để lại lớp mực trên đó. Một phần mực còn giữ lại trên lỗ của lưới, phần lớn mực bám vào vật liệu.
Kỹ thuật in lụa (in lưới) có thể tạo ra lớp mực rất dày (thường 20 – 100 µm, in offset chỉ đạt được độ dày từ 0,5 – 2 µm). Độ dày của loại lưới sợi sử dụng sẽ quyết định độ dày của lớp mực. Có nhiều loại mực với nhiều tính chất khác nhau có thể dùng cho in lưới, tùy thuộc vào việc in trên chất liệu bề mặt nào, có rất nhiều cách chọn lựa loại mực phù hợp cho mỗi loại vật liệu in khác nhau.
Một số sản phẩm tiêu biểu:
– Vải hay các sản phẩm từ dệt
– Áo thun, các loại đồ chơi
– Logo, tên hiệu trên sản phẩm
– Bao bì, túi xách…