I. Các đặc điểm chung của công đoạn thành phẩm
I.1 Các đặc điểm chung
Công đoạn thành phẩm bao gồm tát cả các bước được thực hiện sau khi in sản lượng đến khi hoàn thành sản phẩm in.
Gia công bề mặt sản phẩm
Bao gồm các công đoạn xử lý và trang trí bề mặt ấn phẩm nhằm mục đích tăng tính thẩm mỹ cho tờ in và bổ xung thêm các tính năng cần thiết cho sản phẩm in. Có rất nhiều phương pháp gia công bề mặt khác nhau.
- Sử dụng hóa chất: Tráng phủ Verni, UV, verni gốc nước.
- Sử dụng màng ghép: Dán ghép màng.
- Sử dụng tác nhân cơ học: Ép nhũ, ép chìm, ép nổi, cán vân.
Định hình ấn phẩm
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, loại hình và hình thái ấn phẩm mà sản phẩm in có những phương pháp định hình khác nhau.
- Sách báo: đóng cuốn
- Văn hóa phẩm: Đóng cuốn (Catologue, lịch…)
- Cắt, cấn bế (cờ treo, tờ bướm quản cáo).
- Bao bì hộp giấy: Bến, dán ghép hộp.
- Bao bì nhựa: Ghép màng, chia cuộn, hàn dán túi.
- Nhãn hàng: Cắt, bế
Tùy thuộc vào ý đồ thiết kế, mục đích sử dụng, loại hình và hình thái ấn phẩm mà quá trình thành phẩm của sản phẩm in có thể đơn giản hay phức tạp, dài ngắn khác nhau. Ngược lại chất lượng của công đoạn thành phẩm ảnh hưởng rất lớn đến mục đích sử dụng sản phẩm.
Quá trình thành phẩm có quan hệ hết sức mật thiết với quá trình in và thiết kế, việc này thể hiện rất rõ khi thiết kế bình bản và định vị hình ảnh trên tờ in khi in sản lượng, cách thức gia công thành phẩm nhiều khi quyết định cách thức bình bản và cách định vị hình ảnh trên tờ in và ngược lại chất lượng gia công thành phẩm phụ thuộc rất lớn vào chất lượng chế bản và in.
Chất lượng gia công thành phẩm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm sau cùng và vì khâu thành phẩm là khâu sau cùng nên những hư hỏng ở khâu này gây lãng phí rất lớn về mặt kinh tế.
I.2. Các sản phẩm của quá trình thành phẩm
Các dạng tờ rời: Sản phẩm in được cắt như tờ rơi, bưu thiệp…
Các dạng tờ gấp: Tờ in có các kích cỡ khác nhau được gấp.
Báo chí: Tập hợp các tay gấp (không có liên kết gáy).
Sách bìa mềm: Tập hợp các tay sách theo dạng lòng hoặc kẹp, được liên kết bằng cách khâu hoặc dán keo được liên kết với bìa mềm.
Sách bìa cứng: Tập hợp các tay sách theo dạng lòng hoặc kẹp, được liên kiết bằng cách khâu hoặc dán keo được liên kết với bìa cứng (thường cấu tạo phức tạp gồm một sốthành phần). Sản phẩm dạng tờ được đóng bằng phương pháp cơ học như đóng nẹp thiếc hoặc lò xo (các dạng lịch, tập lò xo…)
Các sản phẩm bao bì: Các dạng bao bì, nhãn hàng, bao thư…
I.3. Những điểm cần lưu ý khi gia công sau in
Chọn quy trình công nghệ thành phẩm
Quá trình thành phẩm phụ thuộc rất nhiều vào mục đích sử dụng, loại hình sản phẩm vì vậy trước khi gia công thành phẩm cần phải xác định rõ:
– Mục đích sử dụng của sản phẩm
– Xác định đúng các yêu cầu, các thông số kỹ thuật của sản phẩm
Trên cơ sở đó mới có thể chọn đúng được:
– Quy trình công nghệ gia công sau in.
– Xác định đúng các yêu cầu, các thông số kỹ thuật của từng công đoạn.
– Việc chọn công nghệ gia công sau in phải được tính toán trước khi thiết kế maqeetté tờ in nhằm đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ từ khâu đầu đến khâu cuối trong sản xuất.
Sản xuất mẫu thử và kiểm tra
Quá trình thành phẩm rất phức tạp bao gồm nhiều công đoạn và chất lượng của nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm cuối cùng vì vậy trước khi sản xuất thật cần:
– Sản xuất thử một cách kỹ lưỡng từ khâu đầu đến khâu cuối để đo lường hết các khó khăn và các vấn đè kỹ thuật có thể phát sinh nhằm tránh các sai sót và khắc phục các khuyết điểm.
– Kiểm tra sản phẩm thử nghiệm không những theo các tiêu chí, yêu cầu của khách hàng mà còn phải xem sản phẩm có thỏa mãn mục đích sử dụng hay không.
Kiểm tra đánh giá chất lượng tờ in trước khi gia công
Chất lượng gia công thành phẩm phụ thuộc rất lớn vào chất lượng tờ in vì vậy trước khi đưa sản phẩm vào sản xuất ở quá trình thành phẩm cần:
– Kiểm tra tờ in bán thành phẩm loại bỏ những tờ in không đạt yêu cầu.
– Phân loại các tờ in kém phẩm xác định rõ lỗi và tìm cách khắc phục.
Vấn đề định vị trong quá trình gia công sau in
Quá trình thành phẩm là quá trình gia công qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi sự chính xác về vị trí rất lớn vì vậy trong gia công thành phẩm vấn đề cần được lưu tâm nhất là định vị chính xác (đặc biệt khi gia công thành phẩm in tờ rời).
Điều độ sản xuất trong quá trình gia công sau in: Quá trình thành phẩm bao gồm nhiều công đoạn, mà các công đoạn này có lúc cần thực hiện song song có lúc cần thực hiện nối tiếp nhau nên việc quản lý và điều độ sản xuất rất phức tạp.
Kiểm tra chất lượng trong quá trình thành phẩm: Quá trình thành phẩm bao gồm nhiều công đoạn và chất lượng của mỗi công đoạn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng gia công của công đoạn sau, cũng như chất lượng sản phẩm cuối cùng, vì vậy sau mỗi công đoạn gia công thành phẩm cần kiểm tra phân loại sản phẩm tránh gây khó khăn cho công đoạn sau cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng.
II. Gia công bề mặt ấn phẩm
II.1. Giới thiệu các phương pháp gia công bề mặt
Công việc gia công bề mặt ấn phẩm bao gồm các công việc khác nhau nhưng đều hướng tới nâng cao tính chất (chất lượng) cần thiết cho sản phẩm, làm cho sản phẩm tiện dụng hơn, đẹp hơn, đáp ứng được các yêu cầu cần thiết khi sử dụng sản phẩm. Cụ thể:
- Tăng độ bền cơ học: bền ma sát, bền bẻ gãy, bảo vệ tờ in khỏi dơ bẩn trầy xước…
- Tăng tính thẩm mỹ cho tờ in: tăng độ bóng, phẳng, độ hấp dẫn, độ sâu của màu sắc…
- Thêm các tính năng cần thiết cho lớp vật liệu in: tính thấm nước, chống thấm dầu mỡ…
Các công việc gia công có thể chia làm các dạng sau:
- Gia công tráng phủ (láng) Varnish gốc nước, dầu bóng offset, tráng UV…
- Gia công ghép dán màng BOPP.
- Gia công cơ học: tạo vân nhám, ép chìm, ép nổi, ép nhũ (ép kim).
II.2. Tráng phủ (cán láng)
Là quá trình tráng phủ lên tờ in (một phần hay toàn bộ tờ in) một lớp lắc mỏng, đồng đều, không màu (nhựa lỏng, nhựa hoặc polymer được hòa tan trong dung môi thích hợp), lớp lắc này được đông cứng lại bằng các cơ chế khác nhau dưới tác dụng của nhiệt độ hoặc tia cực tím.
Được ứng dụng nhiều khi gia công làm bóng và phẳng các dạng tờ in rời của nhãn hàng, bao bì, các dạng văn hóa phẩm cao cấp.
Mục đích làm bóng phẳng tờ in, tăng độ bền cơ học, tính chống thấm nước cho tờ in.
Ưu điểm: phương pháp gia công đơn giản dễ ứng dụng tuy nhiên các tính chất chống thấm nước và độ bền cơ học không cao.
Các dạng tráng phủ
Phân loại theo phần diện tích được tráng phủ trên tờ in:
– Tráng phủ từng phần: chỉ tráng phủ trên hình ảnh in hoặc phần diện tích nào đó của tờ in.
– Tráng phủ toàn phần: tráng phủ toàn bộ diện tích tờ in.
Các phương pháp gia công tráng phủ khác nhau:
– Tráng phủ trên máy in offset: Sử dụng verni như mực in offset in trên 1 đơn vị in của máy in offset.
– Tráng phủ tren máy in flexo.
– Tráng phủ verni trên thiết bị chuyên dụng.
Tráng phủ bằng phương pháp in lụa.
Phân loại theo tính chất của verni:
– Tráng phủ verni gốc dầu, gốc nước.
– Tráng phủ verni bóng, mờ.
– Tráng phủ verni UV.
II.3. Dán ghép màng lên tờ in
Trong quá trình gia công sản phẩm sau in do mục đích sử dụng của sản phẩm đòi hỏi vật liệu phải có tính chất đặc biệt mà vật liệu in không đáp ứng được, người ta phải ghép màng lên tờ in. Sau khi ghép màng, tờ in sẽ có những tính chất cần thiết đáp ứng mục đích sử dụng của sản phẩm như: Bóng phẳng, chịu mài mòn, chịu được áp lực tốt, có độ bền cơ học cao, chống thấm nước…). Ghép màng lên tờ in thực hiện bởi những nguyên lý khác nhau.
Dán ghép màng bằng keo: Với một số thiết bị chuyên dụng keo được tráng lên tờ in hoặc lớp vật liệu ghép. Sau đó dưới tác dụng của lực ép dán và nhiệt độ lớp vật liệu ghép sẽ được ghép lên tờ in.
Dán ghép dùng nhiệt và áp lực: Lớp màng ghép có cấu tạo 2 lớp, lớp màng cần ghép và lớp keo nhiệt khô có nhiệt độ nóng chảy thấp, dưới tác dụng của lực ép và nhiệt độ lớp keo nhiệt nóng chảy lấp đầy bề mựt giấy liên kết lớp màng cần ghép với vật liệu in (giấy).
Ghép đùn: Nhựa dưới dạng hạt được đun nóng chảy và đùn ra từ đầu đùn lên bề mặt vật liệu 1 dòng nhựa lỏng, qua lô cán và làm lạnh nhựa được dàn mỏng lên vật liệu và đông cứng lại, tạo một lớp màng bám chắc trên vật liệu.
Trong thực tế ở nước ta việc dán màng lên tờ in được thực hiện chủ yếu là dán bằng keo và màng chủ yếu dùng để dán màng là màng BOPP, dạng bóng và mờ.
II.4. Ép nhũ
Là hình thức trang trí bề mặt sản phẩm in theo cách dán ép lên bề mặt tờ in những hình ảnh, chữ bằng nhũ vàng, bạc hoặc giấy thiếp.
Nguyên lý
Sử dụng khuôn in cao đã được gia nhiệt (phần tử in nằm trên mặt phẳng cao hơn phần tử không in) để ép mạng tờ nhũ vào tờ in. Dưới tác dụng của nhiệt độ và áp lực, nhũ được ép dán vào tờ giấy ở những chỗ khuôn in lồi lên (phần tử in).
II.5. Ép chìm nổi
Là hình thức truyền hình ảnh lên tờ in bằng cách làm biến dạng bề mặt tờ in theo khuôn mẫu nhất định.
Dùng hai khuôn âm dương (lồi lõm) trái ngược và vừa khít nhau. Dùng lực ép và nhiệt độ để ép tờ in giữa hai khuôn âm dương làm tờ in biến dạng (không còn bằng phẳng nữa) và có hình dạng như hình dạng khuôn.
Khi ép chìm hoặc nổi người ta sử dụng 1 cặp khuôn ép, thường bao gồm một khuôn kim loại được gia nhiệt và một khuôn nguội làm bằng vật liệu nhựa hoặc cactong dày được ép sang từ khuôn kim loại.
II.6. Tăng cường độ bóng hay tạo vân (nhám) cho tờ in
Đôi khi để tăng cường độ bóng phẳng cho tờ in người ta có thể tiến hành tráng phủ 2 lần hoặc cho tờ in đã được tráng phủ và được làm khô khi qua một cặp lô cán gồm 1 lô thép và một lô cáo su, lô thép được gia nhiệt.
Để tạo vân hoặc tạo nhám cho tờ in, sau khi tráng phủ verni, cho tờ in đi qua cặp lô cán gồm 1 lô kim loại đã được khức vân (lô này có thể thay đổi được để có nhiều dạng vân khác nhau) gia nhiệt và 1 lô bọc giấy, dưới tác dụng của nhiệt độ và áp lực tờ in bị biến dạng tạo các hoa văn vân nhám trên bề mặt giấy.