Tram trong in ấn là gì?
Tram trong in ấn là một kỹ thuật xử lý một hình ảnh thành rất nhiều những điểm ảnh nhỏ khác nhau (điểm tram) sao cho có thể dùng phương pháp in để in những điểm ảnh này lên giấy hoặc vật liệu. Những điểm ảnh này rất nhỏ khiến trong điều kiện đọc bình thường ta không thể phân biệt được điểm ảnh mà chỉ nhìn được những vùng hòa sắc khác nhau giữa các điểm ảnh, dẫn tới cảm giác được những hình ảnh giống như ảnh chụp trên giấy hoặc vật liệu in.
Quá trình hình thành kỹ thuật tram trong in ấn
Trước khi những kỹ thuật in hiện đại được phát triển, công nghệ in còn lạc hậu với in typo (sắp chữ chì) và in lụa là chủ yếu thì việc in một bức ảnh thật nhiều mầu hết sức khó khăn. Nguyên nhân là với một bức ảnh thông thường sẽ có nhiều vùng tối, vùng sáng, vùng trung gian, cũng có chỗ đậm và lợt khác nhau, đây là những bài in có tầng thứ. Để in được những mẫu dạng ảnh này thì kỹ thuật in phải in được lớp mực có độ dày, mỏng, đậm, lợt khác nhau giống với ảnh gốc. Tuy nhiên những phương pháp chế bản và in thời đó chỉ in được những lớp mực có độ dày bằng nhau, lên việc in ảnh tại thời điểm đó là bất khả thi.
Công việc nghiên cứu và thử nghiệm tiếp tục tới khi người ta nghĩ ra một phương án đó là thay vì tập trung vào việc tạo ra những lớp mực có độ dày mỏng khác nhau thì tại sao không biến chúng thành những điểm nhỏ (điểm tram) có kích thước thay đổi tùy thuộc vào mật độ (độ sáng và độ tối) của bức ảnh gốc. Các điểm tram này rất nhỏ, khi dùng kỹ thuật in in lên giấy, ở góc độ đọc thông thường mọi người sẽ không phân biệt được từng điểm tram mà chỉ nhìn thấy những hình ảnh giống như ảnh gốc được in lên giấy.
Chưa hết, một vấn đề quan trọng là làm sao để tạo ra một bức ảnh sống động nhất, có nhiều dải mầu sắc giống ảnh được rửa từ phim chụp. Điều này phải rất nhiều năm sau và nhiều nghiên cứu tiếp sau nữa, đồng hành cùng với sự phát triển của các phần mềm thiết kế, đặc biệt là những phần mềm thiết kế chuyên dụng thì mới ra được kỹ thuật in 4 mầu CMYK hoàn thiện như ngày nay.
Sau này dựa trên nguyên tắc của in tram những kỹ thuật in tiếp theo như in phun mầu, laser mầu, hay màn hình máy tính đều áp dụng những nguyên tắc tương tự để tạo những sản phẩm in ảnh đặc trưng của mình.