In lụa thủ công
Trong quá trình đào tạo và dạy nghề in lụa nhiều năm thì câu hỏi ưu điểm và nhược điểm của in lụa thủ công luôn là một câu hỏi của nhiều người. Khi nói tới in lụa (in lưới) thủ công đa phần mọi người hình dung theo một cách khá đơn giản, đó là hình ảnh của một người thợ cầm gạt mực kéo mực trên lưới và làm mực in xuống sản phẩm, tạo phần tử in trên sản phẩm. Tuy nhiên ẩn sâu trong đó có rất nhiều yếu tố quy trình, yếu tố kỹ thuật… và cả yếu tố kinh tế nữa.
Chúng ta đều biết xã hội đang phát triển rất nhanh chóng, chính phủ và nhà nước đang khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các ngành nghề phát triển trên cả hai phương diện quy mô chiều rộng và chiều sâu. Ngành in cũng không ngoại lệ, nhiều công nghệ in tiên tiến đang được du nhập vào Việt Nam với tốc độ rất nhanh, tạo sự đang dạng về công nghệ trong ngành để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Vậy vai trò của in lụa, in lưới thủ công sẽ ở đâu trên bản đồ ngành in Việt Nam.
Để hiểu hơn về chỗ đứng của in lụa (in lưới) thủ công, ta cùng tìm hiểu một số ưu điểm và nhược điểm của in lụa thủ công:
Ưu điểm
- Không cần nhiều vốn để tiếp cận với nghề: Đây có lẽ là ưu điểm lớn nhất của in lụa thủ công, nghĩa là ta có thể tham gia làm nghề với chi phí tối thiểu (trong nhiều trường hợp chỉ cần vài triệu đồng) điều này giúp nhiều người chưa có nhiều tài chính tiếp cận với nghề hơn để tìm cơ hội cho mình. Bên cạnh đó việc đầu tư với số vốn ít sẽ giảm bớt những rủi ro về mặt tài chính rất nhiều cho người đầu tư, đặc biệt hầu hết những thiết bị dụng cụ, máy móc sử dụng đều có độ bền cao, thời gian sử dụng dài và khấu hao rất thấp.
- Có thể triển khai kinh doanh linh hoạt ở mọi điều kiện nhà xưởng hay mặt bằng: Đây cũng là một điểm cộng nữa của in lụa thủ công, nhiều trường hợp chỉ cần một phòng in khoảng hơn 10 m2 là có thể làm được, đa phần mọi người có thể bắt đầu ở nhà mình để giảm chi phí cố định, điều này sẽ giảm rất nhiều áp lực tài chính nếu so với những hình thức kinh doanh khác mà mình phải đi thuê một mặt bằng nhà xưởng tiêu chuẩn.
- Phục vụ nhu cầu in số lượng ít: Trong góc độ kinh doanh thì việc đầu tư công nghệ gì sẽ phụ thuộc khá nhiều vào sản lượng, bạn không thể đầu tư những công nghệ đắt tiền nếu sản lượng không đạt, chính điều này mà in lụa thủ công luôn luôn có chỗ đứng của nó vì nó thường phục vụ những sản phẩm in với sản lượng vừa phải hoặc ít.
- In được nhiều sản phẩm in đa dạng: Điều này giúp người làm nghề dễ tiếp cận với đơn hàng hơn bị cùng một kỹ thuật nhưng có thể in được nhiều sản phẩm đa dạng khác nhau, nhiều loại vật liệu khác nhau.
- Thời gian học nghề nhanh: In lụa thủ công không đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để học nghề. Thông thường bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 7 – 15 ngày là có thể cơ bản kiểm soát được kỹ thuật và bắt đầu làm nghề được rồi. Việc này rõ ràng cũng là một ưu điểm không nhỏ so với nhiều ngày nghề khác cần rất nhiều thời gian học.
Nhược điểm
- Sản lượng không cao: Đối với những mô hình in lụa thủ công ban đầu thì sản lượng chưa thực sự cao, chỉ khoảng vài trăm đến vài nghìn sản phẩm được in một ngày. Tuy nhiên ngay cả với sản lượng như vậy cũng đủ để chúng ta bắt đầu. Sản lượng hoàn toàn có thể được gia tăng khi mở rộng quy mô và thêm thiết bị hiện đại tùy từng trường hợp.
- Chất lượng sản phẩm: Tất nhiên ở mô hình in lụa thủ công thì chất lượng nói chung chỉ đạt mức chấp nhận được của thị trường. Tuy nhiên ta hoàn toàn có thể lâng cao chất lượng thông qua việc đào sâu kỹ thuật và đầu tư thêm về thiết bị và vật tư. Nhưng có những sản phẩm tinh xảo, có tính nghệ thuật cao, đặc tính riêng của sản phẩm thì chỉ có in lụa mới có thể tạo hiệu quả thẩm mỹ cao nhất cho sản phẩm đó được.
- Nhược điểm về yếu tố kỹ thuật: In lụa thủ công, khi nói như vậy rất nhiều người hiểu là nó hoàn toàn thủ công nhưng trên thực tế không phải vậy, đó là một nghề đòi hỏi quy trình phải được kiểm soát cao từ tất cả các bước như sử dụng máy tính để thiết kế đến chụp bản, mực, in… và đòi hỏi người muốn làm nghề phải được học một cách bài bản, khoa học và chuyên sâu mới làm nghề được.
In lụa thủ công khi vào nghề cần những gì?
Nói chung để có thể quyết quyết định có tham gia vào lĩnh vực in lụa hay không thì mỗi người cần có sự tìm hiểu kỹ hơn, đặc biệt về mặt thị trường chung mà mình muốn làm, sản lượng muốn đạt được, thị trường riêng cho từng sản phẩm, điều kiện của bản thân… và lên tiếp cận nghề một cách khoa học, bài bản, chuyên sâu điều này sẽ giúp chúng ta nhanh chóng học được nghề và giảm tối đa những rủi ro trong quá trình đầu tư thiết bị, vật tư cũng như quá trình làm nghề sau này.