Công nghệ in cơ bản
In được mô tả là quá trình chuyển mực lên giấy in hay bề mặt khác thông qua một khuôn in. Trong nhiều thế kỷ, đã có nhiều công nghệ in được phát triển và chúng có thể được phân loại thành 4 loại công nghệ tùy theo vật mang hình in được sử dụng.
In Typo (còn gọi là in cao)
Trong phương pháp này, các thành phần in (chữ, dòng, hình ảnh…) nằm cao hơn. Khi khuôn in được phủ mực, mực sẽ dính lên các phần nổi và sau đó nhờ áp lực sẽ được truyển lên bề mặt vật liệu in. Cách đây vài thập niên, kỹ thuật in Typo còn là kỹ thuật in chính để in các loại ấn phẩm như báo chí và nhãn hàng… ngày nay, một hậu duệ của kỹ thuật in Typo là kỹ thuật in Flexo bắt đầu được sử dụng ngày càng nhiều trong ngành in bao bì từ khoảng thế kỷ 20. Trong kỹ thuật in chữ nổi truyền thống, khuôn in được làm bằng kim loại cứng (chì) và trong kỹ thuật in Flexo, người ta sử dụng cao su hay nhựa mềm để làm khuôn in.
In ống đồng (còn gọi là in lõm)
Ở đây các thành phần in nằm lõm xuống. Bề mặt trục in được bao phủ bởi mực in có độ nhớt thấp, sau đó một dao gạt mực được dùng để loại bỏ hết mực thừa, mực chỉ còn lại ở những chỗ lõm. Giấy in (hoặc các bề mặt in khác) đi qua giữa khuôn in và một trục ép để nhận mực từ những chỗ lõm của khuôn in. Sản phẩm chính của in ống đồng là báo chí và bao bì mềm in với số lượng lớn.
In offset (có nguồn gốc từ in thạch bản)
Trong kỹ thuật in offset các phần tử in và không in đều nằm trên một mặt phẳng (thường là bề mặt kim loại như nhôm, kẽm, hợp kim hoặc polime) với những tính chất bề mặt hóa học và vật lý khác nhau. Trong quá trình in, các thành phần tử không in có tính chất đẩy mực và các thành phần tử in có tính nhận mực do đó chỉ bám ở những nơi cần in. In offset là công nghệ in gián tiếp, nghĩa là hình ảnh trước tiên được chuyển lên một vật mang trung gian (ống cao su) và từ đó chuyển lên giấy in.
In lưới (còn gọi là in lụa)
Trong kỹ thuật in này khuôn in bao gồm một tấm lưới mỏng (làm bằng lụa nhân tạo hay tự nhiên). Các phần tử in trên lưới được che kín bởi một lớp phủ bằng polime còn các phần tử in không bị che phủ. Cũng giống như kỹ thuật in ống đồng, khuôn in lưới được phủ mực và có một dao gạt mực (thường bằng cao su). Dưới áp lực của dao gạt mực, mực in được đẩy qua các phần tử in trên tấm lưới để bám lên giấy hoặc các vật liệu khác nằm bên dưới khuôn lưới. (Tìm hiểu thêm về: công nghệ in lụa là gì?)
Hệ thống in
Ngoài vật mang hình ảnh, mỗi công nghệ in này đều đòi hỏi một yếu tố áp lực từ phía mặt lưng của giấy để ép vật liệu nó lên trên vật mang hình ảnh để truyền mực. Máy in của Gutenberg, một máy in phỏng theo cái mở nút cha, vận hành theo nguyên tắc (phẳng ép phẳng) tức là vật mang hình ảnh và thành phần tạo áp lực đều ở dạng phẳng. Những máy in khổ trung và khổ lớn của thế kỷ 19 và 20 vận hành theo nguyên tắc “phẳng ép trục”, giống như một vật mang hình ảnh dạng phẳng và một ống đồng lăn trên mặt phẳng đó. Những công nghệ chủ yếu hiện thời trong kỹ thuật in offset, cũng như in ống đồng và Flexo đều vận hành hoàn toàn theo nguyên tắc “trục ép trục” để thực hiện được chuỗi chuyển động quay trong đơn vị in. Chỉ có cách này thì mới đạt tiến bộ sản xuất như mong đợi ngày nay, từ 5.000 đến 100.000 bản in trong 1 giờ. Những máy in nhiều màu, với nhiều đơn vị in được đặt thiết kế dựa trên cơ sở nguyên lý trục ép trục.
Bốn công nghệ in kinh điển (truyền thống) có một điểm chung nhất: các vật mang hình ảnh (bản in) đều có cấu trúc vật lý ổn định do đó không thay đổi. Có nghĩa là với một vật mang hình ảnh không đổi người ta có thể in ra những hình ảnh giống nhau với chất lượng cao.
Đầu thế kỷ 20, nhiều công nghệ đã được phát triển. Chúng được biết đến ngày nay như công nghệ in không bản. Với những công nghệ này, khuôn in luôn được thay đổi cho mỗi tờ in (ví dụ như in laser, máy in sẽ ghi hình ảnh lên trống in và cứ sau mỗi lần in, trống in lại được ghi ảnh lại) hoặc là mực in được chuyển trực tiếp lên giấy in mà không cần bản in (ví dụ như in phun). Do đó người ta có thể in nhiều trang liên tiếp với nội dung khác nhau – mặc dù có những hạn chế về chất lượng và sản lượng.
Một ví dụ cho hệ thống in quang điện tử là cơ cấu hệ thống in nhiều màu kỹ thuật số.
Cách đây nhiều năm, công nghệ in không bản không phải là một sự chọn tối ưu so với công nghệ in truyền thống về mặt chất lượng, tốc độ in và chi phí. Tuy nhiên trong những năm gần đây, công nghệ in quang điện tử đã được cải tiến đáng kể và đã trở nên một sự lựa chọn đích thực trong một số khu vực thị trường in. Điều này rất đúng đối với những xưởng in số lượng nhỏ và những công việc liên quan đến dữ liệu hay thông tin đa dạng (như trong in bì thư có nội dung thay đổi theo danh sách khách hàng) bởi vì hình ảnh có thể được thay đổi hoàn toàn cho mỗi bản in.
Máy in tờ rời và máy in cuộn. Các máy in có thể được thiết kế dưới dạng in tờ rời hay cuộn. Máy in tờ rời có một bàn chứa giấy, một hay nhiều đơn vị in và một bộ phận ra giấy. Trong bàn chứa giấy, giấy được máy in lấy ra từ một chồng giấy, sau đó được sắp thẳng hàng và được chuyển đến đơn vị in thứ nhất. Các tờ in được vận chuyển qua tất cả các đơn vị in bởi những cái nhíp. Trong bộ phận ra giấy, các tờ in được tập trung lại thành chồng.
Máy in cuộn có một giá quay từ đó cuộn giấy có thể được truyền đi qua một hay nhiều đơn vị in. Cuộn giấy này sau đó được truyền thẳng đến một thiết bị thành phẩm hay một thiết bị cuộn lại sau khi in.
Các máy in chất lượng cao được lắp đặt hệ thống sấy khô để tránh lem mực trong công đoạn thành phẩm. Đó là lý do tại sao mực in khô do nhiệt độ được sử dụng trong in offset. Trong in báo offset ngươi ta sử dụng mực khô không cần sấy, loại mực này không cần một máy sấy đặc biệt nhưng cho sản phẩm có chất lượng thấp hơn. Đối với in ống đồng và in Flexo, cần có bộ phận sấy sau mỗi đơn vị in.
Các máy in offset và máy in không dùng bản in được thiết kế ở dạng máy in tờ rời hay máy in cuộn, trong khi đó những máy in ống đồng và máy in flexo thì hầu như chỉ được thiết kế ở dạng máy in cuộn. Máy in cuộn cho tốc độ cao hơn máy in tờ rời và có lợi điểm là công đoạn thành phẩm dễ thực hiện hơn. Máy in cuộn thường chỉ được thiết kế cho riêng một loại sản phẩm (báo chí). Các phân khúc thị trường điển hình cho in cuộn là báo chí, tạp chí, bao bì và thể loại thương mại. Máy in tờ rời có thuận lợi là thời gian chuẩn bị in ngắn hơn, thời gian khởi động ngắn hơn, và có khổi in và loại vật liệu in đa dạng hơn. Máy in tờ rời có thể in hầu hết tất cả các loại sản phẩm in với chất lượng cao và tính linh hoạt được quan tâm hàng đầu.
Những máy in thông thường đã ngày càng được tự động hóa trong những thập niên gần đây. Ngày nay, hầu hết các máy in đều có bộ phận điều khiển từ xa dùng để điều khiển các chức năng của máy in. Những công việc mà trước đây được thực hiện bằng tay, như chỉnh khổ in, canh chồng màu và lau chùi các con lăn mực và trục in, giờ đây có thể thực hiện chỉ bằng một cái nhấn nút. Một giao diện kỹ thuật số trong công đoạn trước in cho phép cài đặt trước các ốc chỉnh mực cho một khuôn in cụ thể. Một vài nhà sản xuất đã cho ra đời loại máy in offset với hệ thống ghi bản trực tiếp. Do những tính chất này, máy in không bản thường được tự động hóa cao và có thể hoàn toàn được điều khiển bằng máy tính.
Trong 20 năm vừa qua công việc tự động hóa máy in đã dẫn đến sản lượng tăng đáng kể và chất lượng của sản phẩm cũng như nơi làm việc đã cải thiện, cùng lúc đó nó đóng góp vào quá trình sản xuất ấn phẩm một cách hiệu quả.